Tăng trưởng GDP Quý 3/2024 : +7,4%
Tăng trưởng GDP quý 3/2024 bất ngờ ghi nhận mức tăng trưởng 7,4% so với cùng kỳ – vượt xa kỳ vọng và cho thấy ảnh hưởng của bão Yagi lên tăng trưởng là không lớn. Động lực chính từ ngành chế biến chế tạo với mức tăng trưởng 2 chữ số.
Tính chung 9 tháng, động lực tăng trưởng chính duy trì ở ngành chế biến chế tạo (+9,76% so với cùng kỳ). Khu vực dịch vụ ghi nhận mức tăng khiêm tốn (+6,95% so với cùng kỳ) trong đó các nhóm ngành cấp 2 như bán lẻ, tài chính/ngân hàng hay bất động sản có tăng nhẹ trong Quý 3.
Xét về phía cầu, tiêu dùng cuối cùng chỉ tăng 6,18% trong khi tích lũy tài sản tăng 6,86%. Xuất siêu ở mức 20,8 tỷ USD - thể hiện Việt Nam tiếp tục hưởng lợi từ tỷ giá thương mại hàng hóa).
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) lũy kế 2024 : +8,64%
Cả chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) và xuất khẩu trong Quý 3 đều duy trì tốc độ tăng trưởng hai chữ số với sức lan tỏa ra các nhóm ngành sản xuất khác như dệt may, giày dép, thủy sản bên cạnh ngành sản xuất chế biến điện tử và linh kiện. Nhiều khả năng, khảo sát PMI tháng 9 có thể bị tác động ngắn hạn từ bão Yagi.
Tăng trưởng doanh thu bán lẻ lũy kế 2024 (loại trừ lạm phát) : +5,8%
Tiêu dùng trong nước có bị tác động nhẹ bởi bão Yagi khi tăng trưởng bán lẻ hàng hóa và dịch vụ (theo giá hiện hành) chỉ tăng 7,6% so với cùng kỳ (so với mức 8,4% trong tháng 8).
Trong Quý 3, tiêu dùng chưa có quá nhiều khác biệt so với Quý 2 và doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ chỉ ghi nhận mức tăng khiêm tốn (5,8% - sau khi đã loại trừ lạm phát).
Giải ngân vốn FDI lũy kế 2024 : +8,9%
Giải ngân FDI trong 9 tháng đầu năm đạt 17,33 tỷ USD – tăng 8,9% so với cùng kỳ và phần lớn giải ngân vào lĩnh vực chế biến chế tạo (80% tổng vốn giải ngân).
Tổng vốn đăng ký cấp mới và điều chỉnh 9 tháng đầu năm đạt 21,2 tỷ USD trong đó các dự án từ Singapore, Trung Quốc và Hồng Kong chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng vốn đăng ký.
Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công :47,3%
Theo thông tin từ Bộ Tài chính, ước giải ngân vốn đầu tư công trong 9 tháng đầu năm đạt 47,3% kế hoạch Thủ tướng và giảm 11,8% so với cùng kỳ (theo dữ liệu từ Tổng cục thống kê).
CPI lũy kế 2024 :+3,88%
CPI tháng 9 tăng 0,29% so với tháng trước, do yếu tố mùa vụ (giá giáo dục +2,09%) hay tác động từ cơn bão Yagi lên giá lượng thực, thực phẩm (+0,92%) trong khi tác động của cải cách tiền lương lên lạm phát là không đáng kể. Lạm phát bình quân vẫn trong vùng kiểm soát (3,88% so với cùng kỳ).
Tăng trưởng tín dụng :8,53%
Tính đến ngày 27/9, tín dụng cải thiện (tăng 8,53% so với cuối năm 2023) trong khi M2 và tiền gửi tăng thấp hơn so với năm ngoái (tăng trưởng M2: 5,1% so với 5,4%, tăng trưởng tiền gửi: 4,79% so với 6,63%) cho thấy chinh sách tiền tệ ở trạng thái cân bằng hơn.
Nhờ việc NHNN ngưng phát hành tín phiếu, lãi suất thị trường 2 ổn định quanh 4,5% cho kỳ hạn qua đêm. Lãi suất huy động trên thị trường 1 gần như không có nhiều thay đổi trong tháng 8.
Biến động tỷ giá USD/VND (tỷ giá bán của NHTM) từ đầu năm 2024 : +1,2%
Tỷ giá USDVND liên ngân hàng, tỷ giá niêm yết tại các NHTM và tỷ giá tự do đều đồng loạt hạ nhiệt và thu hẹp mức tăng so với cuối năm 2023 xuống chỉ còn 1,2%. Chênh lệch giữa tỷ giá thị trường tự do và niêm yết tại các NHTM gần như không đáng kể.
vietnam business times -